Bệnh Lao trước đây được coi là “tứ chứng nan Y”, mọi người hoặc là quá lo sợ, giấu bệnh, hoặc là bỏ mặc không chữa trị, dẫn đến tình trạng bệnh Lao lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, gây hậu quả xấu đến sức khỏe cộng đồng.
Tại Trung tâm Y tế Phú Lộc hằng năm có khoảng 150 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao. Trong đó tỉ lệ nhiễm lao AFB(+) chiếm hơn 50% tổng số các ca mắc lao đây là nguồn lây bệnh chính cho cộng đồng.
Để hưởng ứng ngày “Thế giới phòng chống bệnh lao 24/3”, với mục đích nâng cao sự hiểu biết của mọi người dân về bệnh lao và có những hành động thiết thực nhất nhằm giảm dần tỷ lệ người bị mắc bệnh lao trong cộng đồng.
1. Bệnh Lao là gì?
- Bệnh Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Lao gây nên.
Nguồn lây chính là những bệnh nhân Lao phổi có vi trùng Lao trong đờm.
Đường lây truyền chủ yếu là qua hô hấp do hít phải những hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa vi trùng Lao của những người bị Lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện.
2. Triệu chứng nghi ngờ mắc lao:
- Ho khạc trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu) là biểu hiện nghi bị bệnh Lao quan trọng nhất. Kèm theo:
- Đau ngực, khó thở.
- Sốt nhẹ về chiều.
- Gầy sút cân, mệt mỏi.
- Khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến Trạm y tế xã, Phòng khám lao tuyến huyện hoặc tỉnh để được khám bệnh và làm các xét nghiệm đờm, chụp XQ phổi để phát hiện sớm.
3. Điều trị bệnh lao:
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian.
Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí.
Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy bệnh không khỏi mà còn sinh ra lao kháng thuốc, điều trị càng khó khăn.
Thời gian điều trị bệnh lao: từ 6 đến 8 tháng tùy theo phác đồ điều trị.
4. Cách phòng và chữa bệnh lao tại cộng đồng:
- Tiêm phòng BCG cho trẻ sơ sinh.
- Chữa lao đúng cách, sẽ giảm lây một cách nhanh chóng, thường chỉ 2 tuần lễ sau khi dùng thuốc kháng lao. Biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất là điều trị khỏi cho những bênh nhân có lao phổi ho ra vi khuẩn lao.
- Phơi chăn chiếu bằng ánh sáng mặt trời, nhiệt độ 600C trong 20 phút vi khuẩn lao sẽ chết. Phơi dưới ánh nắng mặt trời là phương pháp đơn giản hiệu quả.
- Vệ sinh môi trường: nhà cửa thông thoáng, không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn giấy gom đờm đốt đi.
- Tuổi cao, yếu tố độc hại (thuốc lá, bia rượu…), dinh dưỡng kém… là yếu tố làm bệnh nặng hơn.
Thông điệp gửi tới mọi người:
Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chữa khỏi bệnh lao là cách phòng bệnh tốt nhất!
Tin bài: BS Tôn Nữ Thùy Ái Lành